visitphuquoc
Giới thiệu về Ninh Bình
Ninh Bình sau sáp nhập là vùng đất mới được hình thành từ ba tỉnh thành giàu truyền thống: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Sự hợp nhất này không chỉ mở rộng không gian địa lý mà còn tạo nên một vùng đất hội tụ đa dạng di sản văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của đồng bằng Bắc Bộ. Từ non nước Tràng An, chùa Bái Đính đến phủ Dày, đền Trần hay chùa Tam Chúc, mỗi địa danh đều góp phần làm nên một Ninh Bình mới – giàu bản sắc, giàu tiềm năng và đầy sức hút với du khách trong nước lẫn quốc tế.
Vị trí địa lý và vai trò chiến lược
visitphuquoc Quần thể danh thắng Tràng An

Theo chủ trương sáp nhập 3 địa phương Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định lấy tên là tỉnh Ninh Bình, khu vực này sẽ có diện tích tự nhiên gần 3.943 km² và dân số khoảng 3,8 triệu người. Nằm ở cực Nam của vùng đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, và tỉnh Phú Thọ ở phía Bắc, tỉnh Hưng Yên qua sông Hồng ở phía Đông, tỉnh Thanh Hóa ở phía Tây và phía Nam giáp Biển Đông (Vịnh Bắc Bộ) với đường bờ biển dài 92 km cùng nhiều cửa sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy.

Ninh Bình giữ vai trò chiến lược đặc biệt: là điểm nối giữa ba vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc gồm vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung; đồng thời là ranh giới của ba khu vực địa lý lớn là Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh này nằm trên các trục giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế và du lịch liên vùng. 

Với vị trí trung tâm kết nối các vùng kinh tế, hành chính và văn hóa lớn, Ninh Bình sau sáp nhập không chỉ là cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng mà còn là trục trung chuyển then chốt, động lực phát triển mới cho toàn khu vực miền Bắc Việt Nam.

Sau sáp nhập, Ninh Bình trở thành trung tâm của “tam giác vàng” du lịch miền Bắc, kết nối trọn vẹn các giá trị nổi bật của ba vùng: Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định. Trong đó, khu vực Hà Nam nổi lên như một điểm đến giàu tiềm năng, góp phần tạo bản sắc riêng cho du lịch toàn tỉnh mới. Hà Nam sở hữu hàng trăm di tích lịch sử, lễ hội truyền thống đặc sắc, làng nghề lâu đời và hệ thống chùa chiền, thắng cảnh tự nhiên như Kẽm Trống, hang Luồn, động Phúc Long, Ao Dong… hội tụ nên sức hấp dẫn vô cùng lớn.

Việc sáp nhập giúp vùng đất Hà Nam không chỉ phát huy thế mạnh riêng về du lịch tâm linh, văn hóa mà còn được kết nối trực tiếp với các tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên của Ninh Bình và Nam Định. Điều này mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng, xây dựng hành trình hành hương – trải nghiệm xuyên suốt từ Tam Chúc, Bái Đính, Tràng An đến Phủ Dầy, đồng thời tạo điều kiện để nâng tầm thương hiệu du lịch Hà Nam trên bản đồ quốc gia và quốc tế. Nhờ đó, Ninh Bình sau sáp nhập sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu miền Bắc, với Hà Nam là một trong những “mảnh ghép” quan trọng làm nên sức bật mới cho ngành du lịch khu vực.


Lịch sử hình thành – từ kinh đô Hoa Lư đến vùng hợp nhất chiến lược
visitphuquoc Cố đô Hoa Lư 

Từ thủa sơ khai đến thời kỳ độc lập dân tộc

Vùng đất Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định sau sáp nhập là nơi hội tụ những giá trị lịch sử đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là vùng đất cổ ven chân núi, được bồi đắp bởi phù sa của các con sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Hoàng Long, nơi con người cư trú từ rất sớm, để lại nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc các nền văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút, Đông Sơn, minh chứng cho sự phát triển liên tục của các cộng đồng cư dân Việt cổ.

Nơi đây từng là kinh đô Hoa Lư của nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời Đinh – Tiền Lê, là trung tâm quyền lực của đất nước thế kỷ X, đồng thời là nơi phát tích vương triều Trần với phủ Thiên Trường ở Nam Định – gắn liền với những chiến công lẫy lừng chống quân Nguyên-Mông, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Hà Nam lại nổi bật với truyền thống văn hóa, là vùng đất học, nơi sản sinh nhiều nhân tài, lưu giữ nhiều lễ hội, làng nghề và giá trị văn hóa dân gian đặc sắc.

Trải qua các triều đại phong kiến, thời kỳ thuộc Pháp, chiến tranh giải phóng và hiện đại, vùng đất này luôn giữ vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của miền Bắc, là nơi giao thoa, kết nối các vùng văn hóa lớn của Việt Nam. Hệ thống di tích lịch sử, danh thắng, chùa chiền, lễ hội và truyền thống hiếu học, yêu nước đã tạo nên bản sắc riêng biệt, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần và động lực phát triển cho toàn khu vực.

Các câu chuyện liên quan
visitphuquoc
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Lễ hội Tịch điền được tổ chức tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, nơi vua Lê Đại Hành lần đầu tiên thực hiện nghi thức cày ruộng tịch điền trong lịch sử Việt Nam. Lễ hội diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp và tôn vinh truyền thống lao động của người dân.
Tìm hiểu thêm
visitphuquoc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh, tháng 11-1979

Biến động hành chính và vai trò trong các giai đoạn lịch sử sau

Lịch sử sáp nhập và chia tách của Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định là một quá trình đặc biệt, phản ánh sự điều chỉnh địa giới hành chính nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển từng thời kỳ. 

- Năm 1965, tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam được hợp nhất thành tỉnh Nam Hà.

- Năm 1975, Nam Hà tiếp tục sáp nhập với tỉnh Ninh Bình, hình thành tỉnh Hà Nam Ninh – một tỉnh lớn ở phía nam đồng bằng sông Hồng, bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của ba tỉnh hiện nay.

- Tỉnh Hà Nam Ninh tồn tại đến năm 1991 thì Quốc hội quyết định chia tách thành hai tỉnh: Nam Hà (gồm Nam Định và Hà Nam) và Ninh Bình.

- Năm 1996, tỉnh Nam Hà lại được chia tách thành hai tỉnh riêng biệt là Nam Định và Hà Nam, khôi phục lại ranh giới hành chính như trước năm 1965.

Trải qua nhiều lần hợp nhất rồi lại chia tách, vùng đất này vẫn giữ được sự gắn kết về văn hóa, lịch sử và truyền thống, đồng thời tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tư cách là các đơn vị hành chính độc lập cho đến ngày nay.

visitphuquoc
Đền Trần Thương
Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn vùng Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam) làm nơi cất giấu lương thực, chuẩn bị cho những trận đánh quyết định. Ông cho đào nhiều kho lương bí mật để nuôi quân, đảm bảo hậu cần vững chắc. Khi chiến thắng, nhân dân lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ngài và các tướng sĩ.
Tìm hiểu thêm
Văn hóa – con người ba miền di sản, lan tỏa bản sắc
visitphuquoc Nghề dệt lụa Nha Xá

Hà Nam – mộc mạc, chân thành và giàu truyền thống tín ngưỡng

Hà Nam là vùng đất hội tụ giữa văn hóa đồng bằng và văn hóa đồi núi, nổi bật với sự đa dạng, thống nhất và bề dày truyền thống. Nơi đây sở hữu hơn 1.700 di tích lịch sử, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ và kho tàng di sản phi vật thể phong phú như hát Trống quân, hát dậm, các trò chơi dân gian độc đáo. Hà Nam còn nổi danh với các làng nghề truyền thống như dệt, thêu, mộc, mỹ nghệ đá, chế biến thực phẩm, cùng nhiều món ăn đặc sản như bánh đa vừng Kiện Khê. Người Hà Nam cần cù, sáng tạo, gắn bó với quê hương, vừa giữ gìn bản sắc vừa năng động thích ứng với đổi thay, tạo nên một cộng đồng giàu truyền thống và sức sống mới.

Ninh Bình – chiều sâu linh thiêng và lịch sử

Ninh Bình là vùng đất giao thoa giữa đồng bằng, trung du và miền núi, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người Kinh và người Mường. Nổi bật là nghệ thuật hát Xẩm – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng các lễ hội truyền thống như lễ hội làng Bình Hải, nghi lễ Mo Mường độc đáo của cộng đồng Mường ở Nho Quan. Người Ninh Bình nổi tiếng với truyền thống đấu tranh anh dũng, cần cù lao động, khéo léo trong các nghề thủ công như đan cói, thêu ren, chạm khắc đá… Họ gắn bó với quê hương, đoàn kết, sáng tạo, vừa gìn giữ giá trị truyền thống vừa mạnh dạn đổi mới, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa vùng đất cố đô.

Nam Định – cái nôi văn hóa truyền thống Bắc Bộ

Nam Định là vùng đất giàu truyền thống học hành, tôn giáo, lễ hội và là nơi phát tích của vương triều Trần lừng lẫy. Tỉnh có hơn 1.300 di tích, nổi bật với di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, các lễ hội lớn như lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy, chợ Viềng đầu xuân, cùng các làng nghề nổi tiếng như dệt may, sơn mài Cát Đằng. Người Nam Định hiếu học, trọng truyền thống, năng động và giàu tinh thần cộng đồng.

Sau sáp nhập, ba vùng đất Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định sẽ tạo nên một không gian văn hóa đa sắc, nơi các giá trị đặc trưng được kết nối, bổ sung và lan tỏa mạnh mẽ hơn. Sự hội tụ này mở ra cơ hội phát triển, bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ trên quy mô lớn, góp phần nâng tầm vị thế và sức hút của khu vực trong tiến trình phát triển mới.


Ninh Bình sau sáp nhập: Trung tâm du lịch Văn Hóa – Sinh Thái – Tâm Linh hàng đầu Miền Bắc
visitphuquoc Bát Cảnh Sơn

Ninh Bình sau sáp nhập với Hà Nam và Nam Định hứa hẹn vươn lên thành trung tâm du lịch văn hóa – sinh thái – tâm linh hàng đầu miền Bắc, nhờ sự hội tụ và bổ sung của ba vùng di sản đặc sắc. Nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An – di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đầu tiên và duy nhất của Đông Nam Á, hệ thống lễ hội truyền thống phong phú như lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội đền Thái Vi… cùng nhiều di tích lịch sử và làng nghề truyền thống, nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc tạo nên không gian văn hóa tâm linh và cộng đồng đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Sự kết nối giữa các vùng di sản, lễ hội, làng nghề và cảnh quan thiên nhiên giúp Ninh Bình sau sáp nhập mở rộng không gian, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa – sinh thái – tâm linh, hứa hẹn đưa vùng đất này trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu cả nước và khu vực.


Khám phá thêm
visitphuquoc visitphuquoc